Làm gì khi trẻ nghẹt mũi, sổ mũi?

Nghetmui

            Hiện tượng sổ mũi, nghẹt mũi rất hay gặp ở trẻ sơ sinh khiến cho các bé dễ quấy khóc vì không thể ngủ sâu giấc và lúc bú cũng không được thoải mái như thường ngày. Vậy khi trẻ nghẹt mũi, sổ mũi thì mẹ cần làm gì, nhất là những trẻ còn quá nhỏ, dưới 6 tháng tuổi?

Các mẹ có thể tham khảo một số hướng dẫn dưới đây.

  1. Các triệu chứng liên quan đến nghẹt mũi, sổ mũi ở trẻ:
  • Thời tiết lạnh:

Khi thời tiết đột ngột thay đổi hoặc lạnh lâu ngày có thể khiến trẻ gặp một số vấn đề ở mũi vì hệ hô hấp của con yêu chưa hoàn thiện.

  • Dị vật trong mũi:

Vật lạ vô tình rơi vào mũi có thể khiến con yêu khó chịu, chảy nước mũi, thậm chí gây nên cảm giác đau đớn và chảy máu.

  • Cảm lạnh:

Trẻ bị cảm lạnh thường nhưng kèm theo các biểu hiện khác như đau họng, chán ăn, hắt hơi, sốt nhẹ.

  • Dị ứng:

Khi trẻ bị dị ứng thời tiết hoặc vì một số tác nhân khác như bụi, phấn hoa, ngoài sổ mũi, trẻ còn bị đỏ mắt, ngứa và hắt hơi liên tục.

  • Ngạt mũi sơ sinh:

Một số trẻ chưa được hút sạch hết nước nhầy bào thai khỏi đường hô hấp dẫn đến tình trạng ngạt mũi sơ sinh.

nghetmui

  1. Biện pháp khắc phục:

Mẹ có thể áp dụng một số cách dưới đây để khắc phục tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi ở con yêu.

  • Nằm cao đầu khi ngủ: để ngăn nước mũi chảy ngược vào trong gây nên hiện tượng nghẹt mũi, mẹ nên cho trẻ nằm cao đầu hơn ngày thường.

Mẹ có thể cuộn khăn hoặc kê gối để nâng đầu con yêu lên một tí. Lưu ý độ cao của đầu trẻ chỉ ở mức tương đối, không nên cao quá vì trẻ sơ sinh nằm gối cao sẽ ảnh hưởng đến cột sống của trẻ.

  • Tắm nước ấm: Hơi ấm giúp làm lỏng dịch mũi, trẻ sẽ dễ dàng hắt hơi hoặc mẹ thao tác vệ sinh cũng đơn giản hơn. Do đó, mẹ nên cho trẻ tắm nước ấm, hoặc bồng trẻ ngồi trong phòng tắm đã được xả nước nóng, hơi ấm trong phòng tắm có thể giúp con thông mũi.
  • Chườm nóng bên tai: Mẹ có thể chườm khăn thấm nước nóng 2 bên tai của trẻ khoảng 10 phút.
  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý: Nhỏ nước muối sinh lý và vệ sinh mũi cho con.

Nghẹt mũi, sổ mũi là một trạng thái rất khó chịu ở trẻ sơ sinh. Hiện tượng này làm trẻ ngủ không ngon giấc và cũng không được thoải mái khi bú. Vậy, mẹ cần làm gì? Hãy luôn quan tâm, chú ý đến các biểu hiện của trẻ và nhận ra những thay đổi trong hơi thở của con yêu để sớm can thiệp, giúp trẻ dễ chịu hơn khi bị nghẹt mũi, sổ mũi mẹ nhé!

Hội chứng Colic ở trẻ sơ sinh

Colic

            Trong quá trình nuôi con nhỏ, có thể mẹ sẽ phải đối mặt với hiện tượng con đột nhiên khóc ngất, không thể dỗ dành. Vấn đề là mẹ không hề phát hiện ra bất cứ hiện tượng hay lý do nào dẫn đến việc khóc ngất của con. Đó chính là hội chứng Colic ở trẻ sơ sinh. Vậy, đây là hội chứng như thế nào và cần làm gì để xử lý cơn khóc của con yêu?

  1. Khái niệm:

Colic là thuật ngữ dùng để mô tả hiện tượng khóc dai dẳng không nín ở một đứa trẻ khoẻ mạnh, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Hội chứng này thường xảy ra trong khoảng thời gian trẻ được từ 2 đến 4 tuần tuổi, kéo dài cho đến khi được 3 – 4 tháng tuổi. Những lúc trẻ khóc do hiện tượng Colic, không dễ dàng để dỗ trẻ nín.

Đây là một hội chứng tự phát, không có nguyên nhân rõ ràng cũng như không có thuốc điều trị, trẻ sẽ tự khỏi.

  1. Dấu hiệu colic:

– Trẻ sơ sinh từ 2 đến 4 tuần tuổi khóc thét dữ dội đến nỗi mặt đỏ ửng lên, thường vào cùng một thời điểm trong ngày.

– Mỗi lúc khóc, trẻ nắm chặt bàn tay, bụng căng lên, đầu gối co lại và cong lưng.

– Trẻ khóc theo từng cơn với cường độ khác nhau

– Trẻ thường khóc giật mình trong lúc ngủ

– Mỗi lúc khóc to tiếng, trẻ thường ợ hơi

– Không thể dỗ trẻ nín trừ khi trẻ tự nín

colic

  1. Nguyên nhân:

Rất nhiều các chuyên gia đã tìm hiểu và nghiên cứu các triệu chứng, hiện tượng liên quan, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của hiện tượng Colic ở trẻ sơ sinh.

Có 2 giả thuyết đặt ra:

  • Do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, dẫn đến một số tình trạng khó chịu do tiêu hóa kém hoặc dị ứng, không tiêu, khó hấp thu…
  • Do trẻ đang trong giai đoạn phát triển thần kinh nên mọi thứ vẫn chưa đi vào ổn định.
  1. Cách xử lý:

Lúc trẻ khóc vì Colic, mẹ nên bế lên, áp sát ngực trẻ vào người mẹ, đầu tựa trên vai mẹ.

Mẹ tạo thói quen có ích trong việc phòng ngừa các cơn khóc Colic của trẻ:

  • Giúp trẻ ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ lưng sau mỗi lần cho ăn.
  • Cho trẻ bú đúng tư thế.
  • Hạn chế ánh sáng chói, tiếng động quá lớn.
  • Tạo ra những tiếng động, âm thanh đều đều êm tai hoặc các bản nhạc êm dịu mà trẻ từng nghe suốt thai kỳ.
  • Ru nhẹ nhàng để trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ; giữ giấc ngủ của trẻ được yên tĩnh, không bị đánh thức nửa chừng.

Hội chứng Colic ở trẻ sơ sinh thật sự là một nỗi ám ảnh với các bậc cha mẹ khi lần đầu tiên chứng kiến trẻ khóc ngất lên mà không rõ nguyên nhân. Đây là một trong những hiện tượng không thể lý giải chính xác nguyên nhân nhưng cũng không mang lại tác hại gì. Do đó, ba mẹ không cần quá lo lắng. Trường hợp trẻ khóc lâu hơn 2 giờ, hãy nghĩ đến nguyên nhân khác ngoài Colic và cho con yêu đi thăm khám ngay để được chẩn đoán kịp thời.

Các vấn đề tiêu hóa của trẻ sơ sinh

            Tiêu hóa là một trong những bộ phận và chức năng quan trọng của mỗi người, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Khi trẻ có một hệ tiêu hóa ổn định, hoạt động tốt thì sức khỏe cũng theo đó phát triển từng ngày. Ngược lại, khi hệ tiêu hóa của trẻ kém đi, hay bị rối loạn thì trẻ khó lòng hấp thụ chất dinh dưỡng để phát triển. Vậy, đâu là các vấn đề tiêu hóa của trẻ sơ sinh cần được đặc biệt chú ý và tìm cách khắc phục?

  1. Trẻ đi tiêu nhiều lần trong ngày

Sau khi sinh vài ngày, trẻ thường đi tiêu lẹt xẹt nhiều lần trong ngày. Nếu bú mẹ hoàn toàn, con yêu của bạn có thể đi tiêu từ 5 đến 6 lần/ngày, phân hoa cà hoa cải.

Sau một khoảng thời gian, tần suất đi ngoài của con có thể thay đổi, cách 2 – 3 ngày mới đi 1 lần do bé tiêu hóa triệt để những chất dinh dưỡng trong sữa và các chất thải cần thời gian để tích tụ cho đến khi đầy và tống ra ngoài.

tieuhoas

Khoảng 3 – 6 tháng tuổi, tần suất đi ngoài của trẻ sẽ giảm dần, nhưng một số trẻ vẫn tiếp tục đi tiêu thường xuyên.

Tuy nhiên, nếu con yêu kèm theo các dấu hiệu mệt mỏi, bỏ bú, quấy khóc thường xuyên, phân lẫn máu….. thì các mẹ nên đặc biệt lưu ý và cho trẻ đi thăm khám sớm.

  1. Trẻ bị táo bón

Đây là một dạng bệnh rối loạn cơ năng thường gặp, thể hiện ở số lần đi tiêu của trẻ ít hơn bình thường. Bệnh này rất hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi thức ăn quá nhiều dầu mỡ, chất đạm, ít chất khoáng; thậm chí trẻ bị táo bón do uống sữa bò hoặc quá nhiều sữa bột và ít sữa mẹ. Ở mỗi lứa tuổi và với mỗi trẻ khác nhau, dạng phân khi táo bón cũng không giống nhau. Trạng thái thông thường là phân to, cứng và gây cảm giác đau cho trẻ khi cố gắng đi tiêu, thậm chí đôi khi có lẫn máu.

Nếu bị táo bón, rất dễ gây ra một số biến chứng nguy hiểm cho trẻ, như viêm ruột, thủng ruột. Do đó, mẹ cần cho trẻ đi kiểm tra càng sớm càng tốt để được tư vấn và có hướng điều trị kịp thời, hợp lý.

  1. Trẻ bị tiêu chảy

Đây là một dạng bệnh thông thường, rất hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng nếu để kéo dài dễ dẫn đến mất nước và lượng điện giải quan trọng của cơ thể, gây nên những tình huống rất nguy hiểm cho con yêu. Khi bị tiêu chảy, trẻ sẽ bị đi tiêu phân lỏng như nước trên 3 lần mỗi ngày. Lúc này, mẹ cần nhanh chóng bổ sung nước và bù điện giải cho con yêu, uống liên tục, rải rác trong ngày.

Mẹ cần cho trẻ đi khám ngay nếu bệnh tiến triển nặng hơn, không có dấu hiệu thuyên giảm.

Bên cạnh đó, hằng ngày, mẹ cần đề phòng bằng cách cho con yêu ăn chín uống sôi. Mẹ cũng cần phải vệ sinh sạch sẽ 2 tay và các dụng cụ cho trẻ ăn.

Các vấn đề tiêu hóa của trẻ sơ sinh luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của mẹ để đảm bảo cho sức khỏe con yêu. Mẹ hãy nắm rõ một số triệu chứng ở trên để có thể dễ dàng hơn trong việc theo dõi và nắm bắt tình trạng sức khỏe của trẻ.

Vì sao trẻ chê ti mẹ?

Chetime

Có lẽ không ít lần mẹ phải đối mặt với tình trạng trẻ chê ti mẹ. Vì sao lại thế? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện này. Mẹ cần nắm rõ các nguyên nhân để biết cách khắc phục linh hoạt, giúp con yêu bú ngoan hơn, đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh mà Hibaby muốn chia sẻ với các mẹ.

  1. Trẻ không khỏe

Khi con yêu có những vấn đề sức khỏe dù là nhỏ nhất cũng dễ khiến trẻ quấy khóc, khó chịu và quan trọng nhất là bé chê ti mẹ, thậm chí không chịu hợp tác khi mẹ đút bằng thìa.

Mẹ hãy quan sát từng biểu hiện cụ thể của con yêu để xem con có khó chịu ở đâu không. Nếu không, hãy xem xét các nguyên nhân khác khiến trẻ không chịu bú.

  1. Sữa mẹ có mùi lạ

Một đặc tính quan trọng ở sữa mẹ là thường chịu ảnh hưởng bởi các loại thức ăn mà mẹ nạp vào cơ thể hằng ngày. Có thể mẹ đã ăn hoặc uống một loại thực phẩm lạ, có mùi hăng, cay nồng làm cho sữa mẹ cũng có mùi vị tương tự.

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên xem lại việc vệ sinh bầu ngực hoặc các loại hóa mỹ phẩm mình đang sử dụng, đó cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ không chịu bú.

chetime_

  1. Tư thế bú không đúng

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chê ti mẹ. Bởi khi trẻ bú sai tư thế thì lượng sữa xuống không đều, lúc nhanh lúc chậm khiến cho con yêu không thể kiểm soát, hoặc bé dễ bị sặc, hoặc sữa không đủ.

Mẹ cần xem lại cách cho con bú để đảm bảo trẻ ngậm ti đúng khớp với một tư thế hợp lý, thoải mái trong quá trình bú.

  1. Trẻ uống sữa công thức

Sữa công thức thường ngọt hơn sữa mẹ và có mùi vị khác hẳn. Nếu mẹ cho trẻ bú sữa công thức quá sớm hoặc quá nhiều sẽ khiến trẻ quen với mùi vị của sữa công thức mà dần không muốn bú mẹ.

Do đó, nếu mẹ ít sữa, hãy cân đối giữa việc cho con bú mẹ và bú sữa công thức để mẹ không bị mất sữa mà trẻ cũng không phụ thuộc sữa ngoài.

  1. Trẻ quen với việc bú bình

Lượng sữa khi bú bình thường xuống đều hơn bú mẹ nếu trẻ bú không đúng cách lúc ngậm đầu ti mẹ. Mặt khác, núm ti của bình sữa dù mềm đến đâu cũng khác hẳn với ti mẹ. Nếu trẻ được tập cho làm quen với bình sữa quá sớm và quá lâu sẽ dần dần bỏ ti mẹ. Việc này thậm chí có thể làm lượng sữa của mẹ giảm dần vì tuyến sữa không được kích thích.

  1. Trẻ quá đói hoặc quá buồn ngủ khi bú

Mẹ đừng đợi đến khi trẻ quá đói hoặc quá buồn ngủ rồi mới cho bú. Lúc đó trẻ rất dễ chướng lên và quấy khóc. Việc trẻ nãy lên rồi khóc và không chịu ngậm ti mẹ trong những lúc này là vô cùng dễ hiểu. Vì vậy, mẹ nên lưu ý thời điểm cho bú hợp lý để trẻ sẵn sàng hợp tác.

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ chê ti mẹ. Tuy nhiên, có lý do rất dễ khắc phục, cũng có lý do cần phải có thời gian để thay đổi. Mẹ đã biết vì sao thì hãy sớm điều chỉnh để con yêu sớm hợp tác trở lại, con khỏe mẹ vui.

6 yếu tố đánh giá sự phát triển của trẻ

6yeuto

Con yêu khỏe mạnh và phát triển từng ngày luôn là niềm mong mỏi và hạnh phúc của mẹ. Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, trẻ sẽ có sự phát triển khác nhau. Nhiều mẹ vì không hiểu rõ nên sinh ra lo lắng thái quá, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình mà việc chăm con cũng theo đó không tốt. Hibaby xin chia sẻ với mẹ 6 yếu tố để đánh giá sự phát triển của trẻ để mẹ có thể theo dõi sức khỏe của con và đưa ra những phương pháp đúng đắn bảo đảm sức khỏe con yêu nhé.

  1. Chiều cao và cân nặng

Chiều cao và cân nặng của trẻ sẽ là bình thường khi có mức chênh lệch tương đương so với chuẩn. Mẹ có thể hiểu là, nếu chiều cao và cân nặng cùng dưới chuẩn hoặc trên chuẩn ở một mức tương đương thì bé đang phát triển tốt. Trường hợp 1 trong 2 yếu tố bằng hoặc vượt chuẩn nhưng yếu tố còn lại thấp hơn chuẩn thì trẻ đang có trục trặc trong phát triển, cần theo dõi kỹ.

Bên cạnh đó, nếu chiều cao và cân nặng của trẻ đang bình thường lại đột ngột giảm đi trong 2 tháng thì nên cho con đi khám để được tư vấn tốt nhất.

6yeuto

  1. Vận động tinh

Vận động tinh là nhóm các vận động thiên về các kỹ năng của con yêu.Nghĩa là trẻ có khả năng cầm nắm được các đồ vật từ nhỏ đến lớn không, trẻ có thể vẽ, có thể chơi các món đồ chơi một cách nhuần nhuyễn và thành thạo không……

Những yếu tố nghiêng về vận động tinh giúp mẹ có thể quan sát và đánh giá sự phát triển mạnh mẽ ở não bộ của con yêu và đưa ra những quyết định đúng đắn trong việc chăm sóc trẻ.

  1. Vận động thô

Một số trẻ sớm đạt được các vận động thô cơ bản như lẫy, bò, ngồi, đứng, đi…. nhờ thường xuyên được ba mẹ luyện tập hoặc hỗ trợ trẻ tự vận động. Số còn lại ít được hoạt động có thể sẽ chậm hơn các trẻ cùng lứa.

Tuy nhiên, nếu quá những mốc thời gian sau mà trẻ vẫn chưa đạt được các vận động thô thì mẹ cần cho trẻ đi thăm khám.

  • 3 đến 6 tháng biết lẫy ( lật )
  • 6 đến 10 tháng biết bò
  • 9 đến 16 tháng biết đứng vịn, đi
  • 16 đến 24 tháng biết chạy nhảy tốt.
  1. Phản xạ ngôn ngữ

Một trong những yếu tố quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ là ngôn ngữ. Tùy mỗi độ tuổi mà con yêu của bạn sẽ có những phản xạ ngôn ngữ khác nhau, nhưng nhìn chung trẻ từ 4 tháng tuổi trở đi sẽ bắt đầu có những phản xạ này khi người khác nói chuyện.

Trẻ từ 8 đến 10 tháng tuổi biết phân biệt người lạ, quen.

Trẻ khoảng 1 tuổi có thể bắt chước người khác và dần học nói từ thời điểm này.

  1. Kỹ năng giao tiếp

Ở mỗi giai đoạn khác nhau, con yêu sẽ có những kỹ năng giao tiếp khác nhau nhưng nhìn chung trẻ cần biết biểu hiện cảm xúc trong từng trường hợp cụ thể. Mẹ hãy quan sát xem trẻ có nằm ngửa và đưa chân vào miệng, trẻ có đặt đồ chơi vào tay bạn khi bạn xin, trẻ có nhìn vào gương và cười hay không,…..?

Nếu các kỹ năng này đều có ứng theo sự phát triển từng tháng của trẻ, chứng tỏ trẻ có những phản xạ cùng kỹ năng giao tiếp tốt và não bộ đang phát triển bình thường, mẹ không cần phải quá lo lắng.

  1. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Có lẽ mẹ khá bất ngờ khi nghe đến kỹ năng này ở con yêu, nhưng thật ra nó thể hiện ở các hoạt động hằng ngày của con yêu như trẻ đầy vú ra khỏi miệng, đập tay vào tay mẹ, cầm đồ chơi lên xuống,….

Mẹ hãy an tâm khi bé có những phản xạ tương ứng với hành động của bạn đưa ra. Tuy nhiên, có trẻ sớm, có trẻ lại muộn hơn nên mẹ không cần quá lo lắng.

Mẹ hãy cùng con yêu vui chơi và quan sát các biểu hiện hằng ngày của con. Nếu trẻ đạt được 6 yếu tố trên thì mẹ hoàn toàn có thể dễ dàng đánh giá được sự phát triển của con yêu như thế nào. Chúc mẹ có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất bên thiên thần bé nhỏ của mình.

Một số mẹo nhỏ dành cho mẹ nuôi con nhỏ

Meonho

Chăm con nhỏ chưa bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt với những người mới lần đầu làm mẹ và lại không có những người đi trước hướng dẫn, chỉ bảo. Dưới đây là một số mẹo nhỏ dành cho mẹ nuôi con nhỏ mà Hibaby chia sẻ với mong muốn có thể giúp được các mẹ trong việc chăm sóc con yêu.

  1. Hãy tranh thủ ngủ khi trẻ ngủ

Sau khi sinh xong, mẹ thường rất mất sức và phải thường xuyên cho con bú. Mỗi cữ bú hơn 10 phút, khoảng 8 lần mỗi ngày. Sau khi trẻ bú, mẹ phải tiếp tục ru trẻ trở lại giấc ngủ hoặc giữ cho trẻ chơi. Như vậy, thời gian ngủ của mẹ thường không nhiều và hay bị gián đoạn. Đấy là chưa kể những trường hợp mẹ không có ai giúp đỡ thì còn phải lo việc nhà. Do đó, hãy ngủ bất kỳ khi nào có thể.

Mẹ cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày mới bảo đảm lượng sữa cho con yêu tu ti và sức khỏe của mẹ mới tốt được.

  1. Xoa dầu vào chân và mang tất cho trẻ khi ngủ

meonhoTrẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường rất dễ bị cảm lạnh vì sức đề kháng còn yếu. Do đó, để bảo đảm cho con yêu có một giấc ngủ ngon và cũng giữ được sức khỏe, mẹ hãy luôn nhớ xoa một ít dầu phù hợp với trẻ sơ sinh vào lòng bàn chân của con yêu và mang tất khi trẻ đi ngủ. Giữ ấm chân sẽ giúp trẻ có một giấc ngủ sâu hơn và ít bị cảm lạnh.

  1. Vắt sữa nuôi con

Cho con bú trực tiếp có rất nhiều ích lợi to lớn với cả mẹ và trẻ. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng có thời gian để làm điều này. Những lúc cần ra ngoài hoặc có lý do đặc biệt, bạn có thể vắt sữa ra và bảo quản đúng cách, sau đó nhờ người thân ở nhà cho con yêu tu ti. Như vậy, mẹ vừa có thể làm việc riêng của mình mà cũng không sợ con yêu bị đói.

  1. Cho con ăn theo nhu cầu

Thời gian đầu sau sinh, mẹ có thể cho bé bú theo cữ, khoảng 8 đến 10 lần mỗi ngày để bé sớm thích nghi với việc ti mẹ. Sau đó hãy cho con bú khi nào trẻ đói. Mẹ có thể quan sát những biểu hiện của con để biết khi nào con cần được nạp thêm sữa.

Có những lúc bé yêu của bạn không chịu bú cũng không chịu ăn. Không sao cả! Một số giai đoạn trẻ sẽ biếng ăn sinh lý. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài lâu, mẹ nên tìm đến những tư vấn của bác sĩ.

  1. Đưa ra những quy định với khách đến thăm trẻ

Mẹ nên có một số quy định cụ thể với những vị khách đến thăm. Đừng ngại mất lòng, tất cả vì sức khỏe của con yêu. Mẹ hãy đề nghị mọi người rửa tay sạch sẽ, thoa nước sát trùng (nếu có) trước khi ôm trẻ, những ai bị ốm thì không nên ẵm bồng để tránh lây bệnh cho trẻ. Những lúc trẻ đang ngủ, bạn có thể từ chối mọi người vào phòng và đánh thức con dậy. Việc mất giấc ngủ có thể khiến trẻ bức bối và quấy khóc.

  1. Hãy bỏ ngoài tai những lời khuyên mà bạn cho là sai

Có rất nhiều lời khuyên sẽ được đưa ra cho mẹ từ những người đi trước. Tuy nhiên, có những kinh nghiệm cũ, không còn phù hợp và cả những kinh nghiệm không đúng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con yêu. Mẹ hãy lắng nghe, nhưng sau đó áp dụng hay không thì hãy tùy vào sự cân nhắc và chọn lọc thông tin của mẹ. Hãy làm những gì mẹ nghĩ là tốt nhất cho con yêu của mình.

  1. Hãy hỏi khi không biết bất cứ điều gì

Đây là kinh nghiệm rất quan trọng cho mẹ. Hãy hỏi bất kỳ điều gì khi mẹ không biết. Hãy hỏi bà ngoại, bà nội của trẻ, hoặc những người chị, người em và cả bạn bè của mẹ_ những người đã có kinh nghiệm làm mẹ trước đó.

Hoặc mẹ có thể lên các hội nhóm trên mạng xã hội, vào các trang tin để học hỏi thêm kinh nghiệm và tìm kiếm lời khuyên từ các chuyên gia, các bác sĩ.

Với một số mẹo nhỏ trên đây, mẹ có thể áp dụng để thoải mái hơn trong việc nuôi con nhỏ. Chúc các mẹ nuôi con thật nhàn, tràn đầy hạnh phúc và con yêu luôn khỏe mạnh, chơi ngoan.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh khỏe mạnh

Dauhieutrekhoemanh

Tâm lý chung của các mẹ là luôn muốn con yêu khỏe mạnh. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng nắm rõ những biểu hiện chứng tỏ trẻ đang phát triển đúng chuẩn. Nhiều mẹ lại so sánh cân nặng, chiều cao của con yêu với một số trẻ khác cùng lứa rồi cảm thấy hoang mang khi con mình thấp hơn hay nhẹ cân hơn. Vậy, đâu là dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh đang rất khỏe mạnh?

Hãy cùng Hibaby điểm qua một vài dấu hiệu dưới đây mẹ nhé!

dauhieutrekhoemanh

  1. Tăng cân đều từ 600 đến 900 gram trong mỗi tháng

Thông thường, sau khi sinh, trẻ sẽ sụt đi từ 7 đến 10% cân nặng so với lúc mới sinh. Sau khoảng 5 đến 7 ngày, trẻ sẽ lại đạt mức cân nặng ban đầu.

Trung bình mỗi tháng từ lúc sinh cho đến 6 tháng đầu đời, một trẻ khỏe mạnh sẽ tăng trung bình 600 đến 900 gram trong mỗi tháng. Khi trẻ đạt mốc 6 tháng, cân nặng của trẻ thường sẽ gấp đôi so với lúc mới sinh. Đây là cân nặng chuẩn, chứng tỏ trẻ vẫn đang phát triển ổn định và mẹ không cần quá lo lắng.

  1. Trẻ bú trung bình 700 ml/ngày

Lúc mới sinh, dạ dày của trẻ còn rất nhỏ nên chỉ uống khoảng 30ml sữa. Sau đó, lượng sữa sẽ tăng lên 60ml. Theo thời gian, lượng sữa cho mỗi lần bú sẽ tiếp tục tăng lên, có khi đạt 90ml, 120ml, thậm chí có lúc trẻ bú đến 180ml.

Trung bình một ngày trẻ sơ sinh bú khoảng 700ml nghĩa là trẻ đang phát triển rất ổn. Mẹ có thể chia nhỏ lượng sữa nếu bé bú ít trong mỗi cữ bú, miễn sao lượng sữa nạp vào cơ thể mỗi ngày ở mức tương đối thì trẻ vẫn đang phát triển khỏe mạnh bình thường.

  1. Trẻ ngủ khoảng 16 tiếng/ngày

Mẹ không nên quá băn khoăn khi thấy con yêu ngủ nhiều trong giai đoạn đầu đời. Vào lúc này, trung bình mỗi ngày trẻ có thể ngủ đến 16 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, giấc ngủ của trẻ có thể khá lộn xộn, nhưng không có nghĩa trẻ đang gặp vấn đề nào đó về sức khỏe. Chỉ đơn giản là đồng hồ sinh học của trẻ chưa ổn định.

Con yêu của bạn có thể ngủ nhiều hơn vào ban ngày và thức quậy về đêm, đây là dấu hiệu hoàn toàn bình thường. Theo thời gian, trẻ sẽ dần thay đổi thói quen này.

  1. Mẹ thay tã cho bé khoảng 8 lần/ngày

Nhiều mẹ rất băn khoăn không biết con yêu đi tiêu đi tiểu bao nhiêu lần một ngày là bình thường. Trẻ sơ sinh có lịch trình tiêu tiểu không giống nhau nhưng thường đạt trung bình ít nhất 6 lần mỗi ngày.

Dù trẻ bú nhiều hay ít thì số lần thay tã khoảng trên dưới 8 lần mỗi ngày, đồng thời tăng cân ổn định nghĩa là trẻ vẫn đang phát triển khỏe mạnh, mẹ không cần quá lo lắng.

Trường hợp trẻ đi tiêu, đi tiêu quá ít hoặc quá nhiều thì nên cho trẻ đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác nhất.

  1. Trẻ tập trung vào vật chuyển động

Đây là dấu hiệu rất đáng mừng chứng tỏ trí não và thị giác con yêu của bạn đang phát triển bình thường.

Khoảng 2 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thích nhìn các vật chuyển động như cánh quạt, điện thoại rung hoặc bất cứ đồ chơi nào mẹ đưa lên và di chuyển trước mặt trẻ.

Đừng lo lắng khi trẻ không thể nhận ra gương mặt của mẹ ở khoảng cách hơn 50cm vì lúc này mắt của trẻ chưa thể nhìn xa được. Mẹ hoàn toàn có thể yên tâm khi con yêu có dấu hiệu dõi theo vật đang chuyển động.

Trẻ sơ sinh có những bước phát triển rất thú vị mà chỉ khi nào mẹ cùng con yêu trải nghiệm mới có thể nhận ra và cảm thấy dạt dào hạnh phúc. Nếu con bạn có đầy đủ những dấu hiệu mà Hibaby chia sẻ ở trên chứng tỏ bé yêu khỏe mạnh và đang trong giai đoạn phát triển khá tốt, không có gì phải lo lắng mẹ nhé!

Những trường hợp nên lập tức cho trẻ đi khám

Chotredikham

Trong quá trình nuôi con, không ít lần các bà mẹ rất hoang mang khi con có những biểu hiện lạ: đột nhiên quấy khóc, sốt cao, vấp ngã,….. Có những biểu hiện chỉ thuộc về sự phát triển sinh lý của trẻ nhưng cũng có lúc những biểu hiện đó thể hiện một vấn đề sức khỏe nào đấy mà trẻ cần được kiểm tra. Vậy, đâu là những trường hợp mẹ nên lập tức cho trẻ đi khám để được kịp thời xử lý?

  1. Trẻ bị ngã từ trên cao xuống

Trẻ bị té ngã là điều khó tránh khỏi, nhất là những năm đầu đời, bé rất hiếu động, tò mò khám phá mọi thứ. Trường hợp trẻ té ngã nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe và vẫn vui chơi, ăn ngủ bình thường; nhưng có tình huống tổn thương nghiêm trọng. Nếu mẹ không phát hiện kịp thời dấu hiệu bất ổn để đưa trẻ đi khám thì tổn thương sẽ ngày càng trầm trọng.

Khi trẻ có dấu hiệu sau, mẹ nên đưa con đến bệnh viện lập tức:

  • Chảy máu không cầm.
  • Trẻ bất tỉnh, khó thở hoặc ngừng thở.
  • Trẻ ngủ li bì, không thể đánh thức.
  • Lên cơn động kinh.
  • Nôn, chóng mặt, đau đầu, khóc hoặc la hét kéo dài.
  • Một bộ phận bất kỳ trên cơ thể bị biến dạng.
  • Trên da đầu xuất hiện vùng mềm, sưng; tròng trắng mắt có tia máu đỏ.
  • Tai hoặc mũi chảy dịch hồng nhạt.
  1. Trẻ sốt cao

Sốt là quá trình hình thành cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, lúc này hệ thống miễn dịch đang làm việc để chống lại các tác nhân xấu đang gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Trẻ có thể sốt vì nhiều nguyên nhân: sau tiêm phòng vắc xin, bị ốm….. Có những trường hợp trẻ sốt có thể tự chăm sóc và theo dõi tại nhà, cũng có trường hợp cần phải cho trẻ đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để có những chẩn đoán chính xác nhất.

Trẻ cần được đưa đi thăm khám khi gặp những trường hợp sau:

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt cao trên 38,5 độ C.
  • Trẻ sốt dai dẳng hoặc kéo dài trên 4 ngày liên tiếp.
  • Trẻ bỏ bú, bỏ ăn, không chơi đùa, lờ đờ.
  • Trẻ ngủ li bì trong cơn sốt.
  • Trẻ sốt kèm theo các dấu hiệu: nôn ói, phát ban, co giật, tím tái, khó thở…
  1. Rôm sảy, hăm và phát ban

Rôm sảy, hăm và phát ban là những triệu chứng rất hay xuất hiện trên da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ do nhiều yếu tố. Quá trình chăm sóc không cẩn thận, chu đáo cũng có thể gây nên các triệu chứng tương tự. Những trường hợp trẻ bị mẩn đỏ, phát ban thường lành tính, mau khỏi và có thể sử dụng một số phương pháp dân gian như tắm lá chè, lá sài đất, mướp đắng…. Dấu hiệu lành tính: nốt đỏ mờ đi khi lấy tay ấn vào.

chotredikham

Trường hợp các dấu hiệu rôm sảy, hăm và phát ban ngày càng phát triển mạnh, lan rộng, kéo dài hoặc kèm theo triệu chứng sốt; các nốt đỏ cũng không chuyển màu khi ấn nhẹ tay vào thì mẹ nên đưa con đi thăm khám kịp thời. Đây có thể là trường hợp khẩn cấp liên quan đến một số bệnh lý nghiêm trọng về não và nhiễm trùng huyết.

Như vậy, trong quá trình chăm sóc trẻ, mẹ nên lưu ý tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất để có thể lập tức đưa trẻ đi khám. Các trường hợp nêu trên đây có thể xảy ra với bất kỳ trẻ nào trong giai đoạn phát triển đầu đời.

Những việc làm gây nguy hiểm cho trẻ (Phần 2)

Nguyhiem2

Ở phần trước, Hibaby đã chia sẻ với các mẹ về 3 trong số 5 việc làm có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Sang phần này, các mẹ hãy cùng Hibaby tìm hiểu tiếp 2 việc làm còn lại tưởng chừng rất quen thuộc, gần gũi nhưng nếu không chú ý cũng sẽ mang lại những điều không tốt cho con yêu.

Cho trẻ sơ sinh bú không đúng cách

Không phải người mẹ nào cũng biết cho con bú đúng cách, nhất là những mẹ mới lần đầu sinh con. Chính việc con yêu ngậm bắt vú sai cách sẽ dẫn đến việc sữa xuống không đều, trẻ dễ quấy khóc khi ít sữa, và dễ bị sặc khi sữa đột nhiên xuống quá nhanh. Đồng thời trẻ dễ bị nuốt hơi vào bụng trong khi bú gây nôn trớ, nấc cụt và cả cảm giác chướng hơi, đầy bụng khiến trẻ cảm thấy không thoải mái.

Mẹ không nên vừa cho trẻ bú vừa sử dụng điện thoại di động hoặc làm các việc riêng khác như nói chuyện, xem tivi…. dễ làm trẻ phân tâm và có thể dẫn đến sặc sữa nhất là những trẻ đã biết hóng hớt.

Mẹ phải lưu ý cho trẻ bú cả sữa đầu giàu kháng thể, giúp giải khát và sữa cuối giàu chất dinh dưỡng cùng chất béo để đảm bảo cho sự phát triển của con yêu. Mẹ không nên đổi sang bên khác khi bé chưa bú hết một bên bầu vú.

Chọn bỉm tả không đảm bảo cho trẻ

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thương hiệu bỉm tã đa dạng và rất nổi tiếng: Bobby, Huggies, Pamper,…. Tuy nhiên, da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường rất nhạy cảm và không giống nhau. Có trẻ hợp với loại tã này nhưng có bé lại hợp loại bỉm khác. Các mẹ nên chú ý quan sát những biểu hiện cụ thể trên da của con yêu và lựa chọn loại bỉm tã phù hợp nhất với con yêu để trẻ vừa cảm thấy thoải mái mà làn da non nớt của trẻ cũng không bị ảnh hưởng.

nguyhiem2

Một lời khuyên cho mẹ là nên chọn loại bỉm tã có lớp thấm hút tốt, có vách chống trào mềm mại hai bên để trẻ không bị hăm và không gây vết hằn lên người trẻ.

Các mẹ phải lưu ý thay tã cho trẻ thường xuyên, tránh việc trẻ bị ẩm ướt trong khoảng thời gian quá dài sẽ dễ bị hăm da, thậm chí da sẽ bị kích ứng bởi nước tiểu và phân nằm quá lâu trong tã.

Chăm sóc con yêu thật sự là việc làm không hề dễ dàng nhưng đem lại rất nhiều cảm giác hạnh phúc. Các mẹ chỉ cần lưu ý, tránh những việc làm gây nguy hiểm cho trẻ đã được chia sẻ ở trên để con yêu luôn được chăm sóc một cách tốt nhất.

Những việc làm gây nguy hiểm cho trẻ (Phần 1)

Vieclamnguyhiem1 R

Chăm sóc trẻ sơ sinh là một công việc tuy nhẹ nhàng nhưng không phải dễ thực hiện. Bởi có những điều tưởng chừng rất đơn giản nhưng hoàn toàn có thể gây hại đến con yêu mà không phải ai cũng biết. Vậy, đâu là những việc làm gây nguy hiểm cho trẻ?

Mẹ hãy chú ý 5 điều sau đây khi chăm sóc cho con yêu mẹ nhé!

Tuyệt đối không rung lắc trẻ dưới 2 tuổi:

Sẽ có những lúc mẹ rất giận vì con không chịu ăn, không chịu ngủ. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không được thỏa mãn cơn giận của mình bằng cách lắc người trẻ liên tục hoặc lắc mạnh.

Bên cạnh đó, một số mẹ khi thấy con yêu quấy khóc, vì thương con mà vô tình rung lắc trẻ quá mức để dỗ dành. Đây cũng là việc tuyệt đối không nên làm.

Hành động rung lắc trẻ có thể gây ra những chấn thương rất nặng, vô cùng nguy hiểm cho vùng cổ và đầu của trẻ sơ sinh, thậm chí có thể làm trẻ tử vong hoặc có những tổn thương về thần kinh không thể hồi phục được.

Thường xuyên tắm cho trẻ sơ sinh

Chỉ nên tắm cho trẻ từ 2 đến 3 lần trong một tuần để đảm bảo cho trẻ sạch sẽ mà không bị ốm. Những ngày còn lại, mẹ có thể vắt khăn ấm để lau cho trẻ cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

Mẹ cần kiểm tra độ ấm của nước trước khi tắm để tránh gây nguy hiểm cho con yêu. Lưu ý không tắm cho trẻ quá lâu dễ làm trẻ bị mất nước. Thời gian tắm thường dao động trong khoảng 5 đến 6 phút là vừa.

Mẹ nên sử dụng những sản phẩm nước tắm, xà phòng gội đầu chuyên dụng cho trẻ sơ sinh như Lactacyd, Baby Bath,…; không nên dùng những hóa mỹ phẩm chăm sóc da có hóa chất gây kích ứng làn da non nớt của trẻ.

Không đảm bảo giấc ngủ cho trẻ sơ sinh

vieclamnguyhiem1_r

Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ, tuy nhiên một số mẹ thường mắc một số lỗi khiến giấc ngủ của trẻ không sâu, không ngon giấc.

Mẹ chỉ nên để ít ánh sáng hoặc tắt hết đèn ở nơi con ngủ để thần kinh trẻ dịu đi, trẻ sẽ ngủ say hơn.

Mẹ phải thay tã vào ban đêm nhanh nhất có thể nhưng phải thật nhẹ nhàng giúp trẻ không bị tỉnh giấc hẳn và dễ dàng tiếp tục giấc ngủ.

Cho trẻ ngủ ít lại vào ban ngày để giấc ngủ ban đêm dài hơn, sâu hơn vì giấc ngủ ban đêm đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của con yêu.

Không nên để các vật mềm, mịn như gối, thú nhồi bông xung quanh khi trẻ đang ngủ để tránh nguy cơ tử vong do ngạt thở.

(còn nữa)

Giỏ hàng0
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng!
Tiếp tục mua sắm
0