Tắm nắng cho trẻ sơ sinh

Hẳn rất nhiều mẹ được khuyên nên tắm nắng cho con yêu. Việc làm này giúp trẻ tổng hợp canxi thông qua việc hấp thu vitamin D từ ánh nắng mặt trời, bảo đảm cho sự phát triển, nhất là trong giai đoạn đầu đời. Vậy, tắm nắng cho trẻ sơ sinh như thế nào là đúng để phát huy tối đa lợi ích của nó mà vẫn an toàn, không làm ảnh hưởng đến làn da mỏng manh cũng như sức khỏe của con yêu?

  1. Thời điểm tắm nắng cho trẻ:

Đây là một lưu ý đặc biệt quan trọng đối với làn da và sức khỏe của trẻ mà ba mẹ nào cũng phải ghi nhớ. Bởi sức nóng của mặt trời, lượng tia UV trong ngày thường có sự thay đổi ở những thời điểm khác nhau. Không những vậy, trong các mùa khác nhau, lượng ánh nắng cũng có sự chênh lệch đáng kể.

  • Vào mùa hè: mặt trời thường lên sớm, ánh nắng có nhiệt độ cao; mẹ cần cho trẻ tắm nắng trước 7h30 sáng để đảm bảo an toànn cho con.
  • Vào mùa đông: mặt trời xuất hiện muộn hơn, cường độ nắng cũng yếu hơn, thời điểm mà ba mẹ có thể cho bé tắm nắng cho trẻ vào khoảng từ 7 đến 9 giờ sáng.
  • Ngoài ra, hằng ngày, ba mẹ có thể cho trẻ tắm nắng vào thời điểm sau 16h là khi nắng sắp tắt. Thời điểm này lượng vitamin D tự nhiên không nhiều bằng buổi sáng nhưng vẫn rất tốt cho trẻ.

Mẹ lưu ý, thời tiết có thể thay đổi, không ổn định, mẹ nên chú ý quan sát để linh hoạt thay đổi trong giờ giấc tắm nắng cho con yêu sao cho việc tắm nắng đạt được hiệu quả nhất.

  1. Lưu ý khi tắm nắng cho trẻ:

tamnang_r

  • Tuyệt đối không nên tắm nắng cho trẻ vào khoảng từ 9 giờ sáng đến 16 giờ hằng ngày bởi ánh nắng lúc này rất gay gắt, lượng tia UV mạnh có thể gây ra những tổn thương đối với làn da và sức khỏe của con yêu.
  • Thời gian tắm nắng cho trẻ trong những ngày đầu tiên sau sinh chỉ nên ở mức 10 phút mỗi lần. Khi trẻ lớn dần lên, mẹ có thể tăng thêm thời gian tắm nắng cho con yêu.
  • Mẹ không nên cởi hết toàn bộ quần áo của trẻ mà nên chỉ tắm nắng theo từng bộ phận. Trước hết mẹ có thể cho trẻ tắm nắng bàn chân, cổ chân, sau đó đến bụng, lưng, rồi mới đến bắp chân, đùi, ngực, tay, cổ,…Với mỗi một bộ phận cơ thể, mẹ nên để trong tầm 3 đến 5 phút rồi hãy chuyển qua bộ phận khác.
  • Không nên tắm nắng cho trẻ ở nơi có gió lùa mạnh, không khí không trong lành.
  • Không nên để ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu, vào mắt trẻ để đảm bảo tia cực tím không gây hại cho trẻ.
  1. Những trường hợp không tắm nắng cho trẻ sơ sinh

Tắm nắng là một phương pháp tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả đối với việc phát triển xương cho trẻ bởi nó giúp chuyển hóa canxi trong cơ thể. Dù vậy, vẫn có một số trường hợp không nên tắm nắng cho trẻ mà mẹ cần đặc biệt lưu ý:

  • Trẻ đang mắc phải một số căn bệnh nội tiết như basedow, bệnh eczema, herpes, dị ứng da, viêm da…. hoặc trẻ đang dùng một số thuốc kháng sinh như Quinolon. Khi trẻ đang mắc những căn bệnh này mà được mẹ cho phơi nắng sẽ gây nên những phản ứng không tốt và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.
  • Trẻ đang ốm, cảm sốt cũng không nên cho phơi nắng dù trong thời gian ngắn bởi dễ làm trẻ ốm nặng hơn.

Như vậy, các mẹ hoàn toàn có thể tắm nắng cho trẻ sơ sinh đúng cách để đạt hiệu quả cao trong việc hấp thu canxi, góp phần quan trọng trong việc phát triển từng ngày của trẻ.

Giỏ hàng0
Không có sản phẩm nào trong giỏ hàng!
Tiếp tục mua sắm
0